Những đặc sản thương hiệu "mèo" nổi tiếng của người Mông
Nếu đã có dịp đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là đến Mộc Châu (Sơn La), bạn sẽ rất ngạc nhiên bởi rất nhiều món đặc sản cực ngon mang thương hiệu "mèo" của người Mông như: rau cải mèo, táo mèo, lợn mèo hay dưa chuột... mèo.
1. Rau cải mèo
Là một loại rau thuộc họ nhà cải, có bẹ, thân dài, màu xanh dậm, lá cây nhăn và có viền xoăn dạng lượn sóng. Nếu được trồng ở vùng đồng bằng, có lẽ thứ cải này cũng chẳng lấy gì làm nổi tiếng trong hàng chục thứ rau cải. Thế nhưng, khi được trồng tại vùng cao, trên các sườn đồi, sườn núi của người Mông khắp các tỉnh phía Bắc, nó trở nên ngon kỳ diệu.
Có lẽ vì nó phải chắt chiu những tinh hoa của đất trời để tồn tại, chẳng cần bất cứ sự chăm sóc nào, nó tự nhiên lớn, xanh mơn mởn trên các hốc đá, bên vệ đường hay xung quanh những ngôi nhà của người Mông.
Có vô vàn món ngon từ món rau cải này. Nếu đã có dịp lên thành phố Sa Pa, chắc bạn không quên món rau cải mèo xào với thịt trâu gác bếp, hay món canh rau cải nấu với nước gà ăn mát và có tác dụng giải rượu rất tốt. Hiện đại hơn, người ta lựa những cây cải bánh tẻ dùng để nấu lẩu hay cuốn với món cá hồi Sa Pa.
Vị đăng đắng của rau cải ban đầu, hóa ngọt ngào khi ta nhâm nhi thưởng thức. Ai một lần ghé qua vùng cao đều không quên mang về những bó rau tươi ngon để làm quà.
2. Táo mèo chát chát, chua chua
Táo mèo hay được nhiều người gọi là quả sơn tra, chỉ nhỉn hơn quả bóng bàn, khi non có màu xanh nhạt, khi chín có màu vàng, hơi xậm. Hình dáng không được mượt mà như các loại táo khác, thường được người Mông trồng ở trên các sườn núi hay ở trong các khu rừng.
Ngày trước, táo mèo không được mấy ai quan tâm, đến mùa thu hoạch người Mông mang xuống chợ bán với giá rẻ như cho. Người ta mua về chủ yếu để ngâm đường, ngâm rượu, làm giấm hay phơi khô để làm thuốc đông y.
Mấy năm trở lại đây, người thành phố bỗng "sính" thứ quả này nên nó tăng giá ầm ầm. So với trước đây có khi "trượt giá" tới cả chục lần. Nhiều người Mông giàu lên nhờ quả táo mèo. Tới các chợ vùng cao bây giờ, từ táo xanh non tới táo chín tới mùa thu được bày bán rất nhiều. Không những thế, theo những chuyến xe, quả táo mèo cũng về với thành phố.
Táo mèo ngâm đường.
Táo mèo dùng để ngâm với đường uống rất mát, vị thơm khó tả, hoặc ngâm giấm để các chị em làm đẹp da. Dân dã hơn, táo mèo dầm muối ớt, vị chua chua, chát chát ban đầu vào tới cuối họng lại thành ra ngọt ngon.
3. Lợn mèo
Là tên gọi của một loại lợn nhỏ, da đen, con trưởng thành nặng nhất cũng khoảng 20 kg, con nhỏ khoảng 10-12 kg. Sở dĩ cái tên lợn mèo để chỉ loại lợn được người Mông nuôi trên các vùng núi cao ở Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai... Nó cũng nhằm phân biệt với các loại lợn Mường, lợn cắp nách của các dân tộc khác.
Loại lợn này được người Mông nuôi thả rông ở xung quanh nhà, chúng tự tìm thức ăn, rất chậm lớn, nuôi cả năm mới được hơn 10 kg. Do đó phẩm chất thịt rất thơm ngon, hầu như không có mỡ.
Có rất nhiều món ngon từ lợn mèo. Phần ba chỉ người ta thường ướp với riềng, sả mang nướng dưới than hoa vàng ươm thơm phức. Phần thịt đùi ngon nhất là mang hấp, còn phần xương xẩu thì nấu giả cầy hay nấu canh khoai thì không thể chê vào đâu được.
4. Dưa chuột... mèo
Có lẽ món đặc sản của người Mông làm nhiều du khách ngạc nhiên nhất chính là món dưa chuột... mèo. Vì nếu nhìn qua và xét về họ hàng thì loại này khá giống với món dưa chuột ở miền xuôi. Nhưng dưới bàn tay khéo léo của người Mông, cùng với địa thế trồng và chất đất, loại dưa này sinh trưởng rất tốt, to tựa như... chú mèo con. Mỗi quả dưa có khi nặng tới nửa cân, quả bé cũng vài ba lạng.
Thường thì mùa xuân là mua gieo hạt, tới khoảng cuối mùa Hè, đầu mùa thu là cho thu hoạch. Người Mông trồng xen loại dưa này cùng với ngô, lúa nương hoặc ven đường, trong vườn nhà.
Thoạt nhìn, nhiều người e ngại bởi hình dạng "quá khổ" của loại dưa này. Thường thì với người miền xuôi, dưa chuột phải bé, da hơi sần sùi, thì ruột mới đặc, ăn thơm mát. Chứ quả dưa lại to đùng chẳng khác quả dưa bở là bao thì chắc sẽ rỗng ruột, nhiều nước và ăn sẽ nhạt.
Đó chỉ là suy đoán nghe có vẻ rất logic khi ta "ngắm" quả dưa, còn khi đã bổ nó ra, thưởng thức thì mới thấy mọi nghi ngờ của người miền xuôi quả thật vô lý. Món dưa này ngon tuyệt, vị ngọt mát, thanh khiết. Tất nhiên, cũng có phần hơi đúng vì nó cũng khá nhiều hạt, đôi khi phải bỏ phần hạt đó đi, chỉ ăn phần cùi. Nhưng cái sự ngon thì không thể tránh cãi bởi đó là thứ dưa tự nhiên, có thời gian sinh trưởng khá dài, nó "hấp thụ" được rất nhiều tinh chất của đất trời.
Ăn món dưa này chẳng lo thuốc trừ sâu, nếu có thiếu gia vị cùng chẳng lo nhạt miệng. Ấy chính là sự đặc biệt của món dưa miền núi này.
Chịu khó hơn nữa, bạn sẽ tìm thấy đào mèo, dao mèo, đều là những đặc sản có giá trị